Anh có vẻ giống… nhà hiền triết hơn là một doanh nhân. Dường như tâm tư anh dồn vào nghiên cứu khoa học tâm lý nhiều hơn hẳn. Ấy vậy mà sự nghiệp của anh vẫn tiến triển và tiến triển với tốc độ đáng nể
Gặp Trần Việt Quân vào những ngày cuối cùng của năm Đinh Hợi, trái với sự tất bật của hơn 300 nhân viên công ty, anh thong thả trò chuyện với chúng tôi, dù thỉnh thoảng cuộc trò chuyện vẫn bị gián đoạn bởi những cuộc gọi.
“Vận động viên” đào đường
Có cảm giác, anh đang đứng ngoài nhịp vận động sôi nổi của tòa nhà Bách Khoa Computer này. “Hiểu và biết cách sắp xếp, công việc sẽ không thể chi phối được thời gian của mình”- anh tiết lộ. Đây là bí quyết giúp anh vượt qua quãng thời gian làm anh sinh viên bận rộn với lịch hoạt động dạy kèm 6 lớp/tuần, ngày lên giảng đường, nghiên cứu tài liệu và đêm thì đi phụ hồ, đào đường… “Chỉ có điều, mình buộc phải hạ thời gian giải trí của mình bằng 0”- Việt Quân cho biết. Sinh trưởng trong một gia đình mà tài sản vỏn vẹn chỉ có bộ ghế trước nhà nhưng lý do anh chọn công việc đào đường, phụ hồ để kiếm thêm thu nhập lại là vì… mê thể thao! Thấy công việc này vận động chân tay nhiều, anh tham gia vừa để rèn thể lực vừa có thể gần gũi, hòa nhập với đời sống công nhân lao động. Hơn 5 năm là “vận động viên” đào đường đã giúp anh tự lo được cho việc học của mình, đồng thời cũng là khoảng thời gian anh tích lũy được khá nhiều vốn sống. Khi chương trình đào tạo kỹ sư hóa học của Trường ĐH Bách khoa TPHCM chưa hoàn thành, anh bị hớp hồn bởi những tiện ích của tin học, bộ môn trước đó đã làm anh ngán ngẩm vì những câu lệnh của Dos, NC… khô khốc. Đăng ký học văn bằng 2 chuyên ngành công nghệ thông tin của trường để được hòa mình vào hệ điều hành Window 95, Pascal, C+ +… nhưng anh đã không hoàn thành được luận văn để tốt nghiệp chương trình đào tạo này.
Người luôn ước mơ về một cộng đồng sống tử tế
Mục tiêu khác người
Lý do khiến việc học của Việt Quân dở dang vào giai đoạn cuối chính là việc anh quyết định mở công ty, thử sức với số phận và những chiếc máy tính đã khiến anh mê mẩn. Vay mượn khắp nơi, anh đem hết vốn liếng 90 triệu đồng có được đầu tư vào 5 chiếc máy vi tính và một chiếc máy in con con. Trong khoảng không gian vỏn vẹn 16 m2, công ty, mà chính xác chỉ là cửa hàng của anh, lúc nào cũng tấp nập khách hàng là những sinh viên, giáo viên của Trường ĐH Bách khoa đến soạn thảo, in luận văn… Một mình loay hoay với cửa tiệm, anh gần như làm việc liên tục từ 7 giờ 30 ngày hôm trước đến tận 3 giờ ngày hôm sau mới phục vụ được hết nhu cầu khách hàng, từ việc in tài liệu, sang chép đĩa, cài đặt chương trình… Nỗ lực làm việc như thế nên chỉ hơn một năm sau, anh đã bắt đầu gặt hái được thành quả: trả hết nợ và nâng số nhân viên lên 8 người. 25 tuổi, Trần Việt Quân chính thức bước vào thương trường trên con đường vẫn chưa có nhiều người khai phá: kinh doanh linh kiện máy vi tính. Chưa có nhiều kinh nghiệm nên những bước đầu tiên, anh thường xuyên sang các nước phát triển của khu vực như Trung Quốc, Singapore… để vừa tìm hiểu thị trường vừa kiếm đối tác cho mình. Anh cho biết: “Chỉ cần nắm được thị trường hiện nay của các nước này thì có thể dự đoán được nhu cầu của khách hàng Việt Nam 5 năm tới”. Hiểu được sự vận động của thị trường trong nước, những bước đầu tư của anh cũng mạnh dạn hơn. Để vận hành công ty hiện nay, anh cần đến hơn 300 nhân viên. Mỗi lần tuyển dụng, anh đều đích thân phỏng vấn để tuyển chọn và phân công đúng khả năng của nhân viên. Tuy nhiên, trong công tác tuyển dụng, anh có một sự thiên vị đáng trân trọng: “Năng lực như nhau, nhưng tôi sẽ ưu tiên cho người khuyết tật”. Đó cũng là lý do vì sao những người khuyết tật làm việc tại Bách Khoa Computer khá nhiều. “Tôi dành 10% chỉ tiêu tuyển dụng cho nhân viên khuyết tật”- anh nhấn mạnh. Mở cửa để đón nhận những cuộc đời bất hạnh để họ có thể hòa nhập cộng đồng là lý do anh đặt ra mục tiêu khác người này cho công ty của mình.
Nguyên tắc “cặp đôi”
Xuyên suốt những chặng đường mà Việt Quân đi qua, bóng dáng người bạn thân từ thuở học đại học và bây giờ là nội tướng của anh vẫn luôn hiện diện, cùng anh sẻ chia những thăng trầm. Anh bảo, để có được sự hòa hợp, cả hai đều phải tuân thủ nguyên tắc “cặp đôi”, cả hai đều vận động tích cực để duy trì mối quan hệ này. “Trong công việc cũng thế, phải giữ vững nguyên tắc này thì mọi sự hợp tác, thỏa thuận mới thực sự có ý nghĩa” – anh triết lý. Những lần tham dự các khóa học tư duy tích cực, anh đều dẫn vợ theo cùng. Mái nhà ấm áp của anh vì vậy mà đầy ắp tiếng cười. Tuy nhiên, mục tiêu phấn đấu của anh lại không chỉ là để duy trì cuộc sống hạnh phúc của gia đình mà hướng đến các công trình mang tính cộng đồng. Một thư viện mở đang là đích đến cho những nỗ lực của anh trong thời gian tới. Anh kể, nhìn nghịch lý những bạn sinh viên đói sách, thiếu tài liệu mà thư viện thì cũ và khó tiếp cận, anh rất khó chịu. Tại sao những ông lớn của Internet sẵn sàng chia sẻ kiến thức, còn thư viện của chúng ta vẫn hé chứ không phải mở cửa với những sinh viên ham học hỏi? “Để giải quyết câu hỏi này, tôi còn phải cố gắng nhiều” – anh bộc bạch. Ngày còn kinh doanh ở cửa tiệm nhỏ xíu của mình, dù vốn liếng chẳng là bao nhưng thấy các bạn sinh viên “đói” tài liệu tin học, anh đã bỏ hẳn tiền cọc để “đi cửa sau” với các tiệm photocopy. Mỗi lần có khách photo sách tin học, họ đều làm dư một bản dành cho anh. Với cách làm này, chẳng mấy chốc anh có được tủ sách dành cho các bạn sinh viên, khách hàng tham khảo miễn phí. Ai có nhu cầu đem về nhà nghiên cứu, anh lại đi photocopy không công lại cho người ấy. Cứ như vậy, tủ sách của anh trở thành tủ sách của mọi người. Anh nhận định: “Những người mượn sách tôi, sau này đều trở thành những người bạn thân thiết”. Phải chăng, những khát khao tri thức khi gần nhau đều có thể kết nối những con người?
Các bạn sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM vẫn truyền tai nhau, Việt Quân là “ông đỡ” mát tay cho những công trình nghiên cứu, những đội tham gia cuộc thi Robocon… thiếu kinh phí. Mỗi dự án tài trợ, Việt Quân gần như chẳng thu lại được gì nhưng anh vẫn rất ít khi từ chối những dự án này. “Các bạn sinh viên chỉ nên cầu cứu doanh nghiệp khi mình không thể xoay xở được nữa. Trong trường hợp này, tôi sẵn sàng nâng đỡ những ước mơ của họ” – anh thổ lộ.
(Đặng Quý Yên – Theo báo Người lao động)