"Trán cao phúc đức vô cùng/ Mày cao mắt sáng tinh thông hơn người". Từ thời xa xưa, ông cha ta vốn tin rằng: “Trí Tuệ của một người có mối quan hệ mật thiết với tướng số”. Và cho đến ngày nay, lẫn trong đời sống thường ngày, ắt hẳn chúng ta vẫn thường nghe thấy những lời khen/chê mang đậm tính “soi tướng”. Ví dụ: “Trán của thằng bé kia cao ghê, chắc là học giỏi lắm!”; “mắt của đứa bé này sáng ghê, nhìn là biết thông minh rồi!”.
Vậy, liệu bạn có đang thắc mắc vì sao những nét tướng như "trán cao", "mắt sáng" lại là những đặc điểm của người thông minh, có trí tuệ? Và dựa vào đâu mà ông cha bao đời của chúng ta đã nhận định như thế?
Trong bài viết sau đây, tôi sẽ phân tích và làm rõ Nhân Tướng Học (cụ thể là Tâm Tướng và Hình Tướng) của người có Trí Tuệ. Tuy nhiên trước khi bắt đầu vào chủ đề chính, tôi sẽ sơ lược lại vài thông tin cần thiết để giúp bạn hiểu được bài viết dễ dàng hơn.
Người Trí Tuệ Là Những Người Như Thế Nào?
Người Trí Tuệ là những người có tư duy sâu sắc, quan sát thấu đáo, học sâu biết rộng, điều này có nghĩa là khi họ học một điều gì đó, họ luôn đào sâu vào gốc rễ của sự vật hoặc hiện tượng. Họ sẽ cố gắng tìm hiểu và làm rõ bản chất của sự vật đó, hiện tượng đó thay vì chỉ học để đối phó, học một cách hời hợt mà không đọng lại được gì trong đầu (mà ở đây còn gọi là “học vẹt”).
Người có Trí Tuệ còn là những người biết cách đưa tri thức đã học thành hành động thực tiễn, họ tuyệt nhiên không phải là những người suốt ngày chỉ cày cuốc mặt chữ nhưng kỹ năng xã hội thì lại mù mờ. Họ còn là những người hiểu rõ đạo đời, đối nhân xử thế. Bởi họ phải hiểu rõ nhân sinh, biết được thế giới này cần gì thì mới có thể sáng chế được những phát minh, những giá trị hữu ích đóng góp xã hội loài người ngày càng phát triển.
Nhân Tướng Học Của Người Trí Tuệ Trông Khác Gì So Với Người Bình Thường?
Vậy, vẻ ngoài của người có Trí Tuệ trông có khác gì so với người bình thường không? Để biết được đáp án của câu này, bạn hãy thử xem lại hình ảnh của các bậc minh triết, hiền triết hay các vĩ nhân đại tài xuất hiện trong lịch sử loài người như: Thales, Socrates, Albert Einstein, Isaac Newton, Đức Đạt Lai Lạt Ma, thầy Thích Nhất Hạnh,...
Liệu bạn có để ý rằng, họ thường có một vầng trán cao rộng, ánh mắt sâu và sáng tinh anh; và tổng quan gương mặt của họ đều toát lên chất điềm đạm hoặc tĩnh lặng thâm sâu? Nếu bạn công nhận điều đó, vậy thì hãy tiếp tục đọc bài viết để hiểu rõ hơn về tướng số của những con người vĩ đại, đầy thông tuệ như thế nhé!
Khái Quát Về Cách Xem Tướng
Theo những gì tôi giảng trong lớp Nhân Tướng Học Ứng Dụng, có 4 cấp độ để xem tướng như sau:
1. Bộ vị: Tai, mắt, mặt, mũi, miệng,... Chung quy là đặc điểm nhận dạng trên tổng quan khuôn mặt.
2. Gân xương, cốt cách: Cách một người đi, đứng, nằm, ngồi ra sao.
3. Thần khí và khẩu khí: Ánh mắt và giọng nói to nhỏ, mạnh yếu như thế nào.
4. Hành vi và thái độ sống: Là cách một người ứng xử hay sinh hoạt như thế nào trong đời sống. Yếu tố này còn gọi là “tâm tướng” của một người.
Trong đó, bộ vị và gân xương, cốt cách chính là “cành lá” và phần “thân”, tức chỉ là hình dáng tổng thể bên ngoài, những đặc điểm con người thể hiện rõ nét ra bên ngoài, mà ở đây được nhận định chính là hình tướng của chúng ta.
Tiếp đến chính là thần khí và khẩu khí, hai yếu tố này nằm trong “bộ rễ”, song ta cũng có thể đo lường được nếu có khả năng quan sát thấu đáo. Cũng vì lẽ đó, tôi sẽ gộp Thần khí và Khẩu khí vào phần Hình Tướng trong bài viết này để cho các bạn dễ hình dung.
Cuối cùng là hành vi và thái độ sống (cũng là “bộ rễ” chính), tức là bản chất tâm tính; là cội nguồn phẩm chất, tư tưởng, cũng như nấc thang đạo đức của mỗi con người chúng ta. Cũng theo đó, tôi sẽ gọi yếu tố này là tâm Tướng.
Lấy cái "tâm" làm trục số chính, tâm tốt thì tướng tốt, tâm xấu thì tướng cũng theo đó mà méo mó theo thời gian. “Tướng tự tâm sanh, tướng tùy tâm diệt”. Cho dù vẻ ngoài chúng ta có ra sao, tất thảy đều cũng sẽ bám vào tâm mình mà biến chuyển (đặc biệt sau 30 tuổi càng thể hiện rõ nét).
Hình Tướng Của Người Trí Tuệ
Như đã đề cập ở phía trên, Hình tướng là nét tướng thể hiện ra bên ngoài của con người. Trong đó, Hình tướng của người Trí Tuệ có thể thấy rõ ràng ở những đặc điểm sau:
1. TRÁN (hay còn gọi là Thượng Đình)
Trán/đầu đại diện cho trí não, cho khả năng tư duy và suy nghĩ của con người. Theo Nhân Tướng Học, đa phần những người sở hữu một vầng trán cao là những người thông minh, sáng dạ, luôn đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp và cuộc đời. Tuy nhiên nếu trán cao và có xu hướng nhô ra, hay còn gọi là "trán dô", thì thường là đặc điểm của người có xu hướng suy nghĩ linh tinh, thậm chí là hay tưởng tượng ra điều tiêu cực.
2. MẮT (bao gồm cả Thần khí - Ánh mắt)
Mắt đại diện cho khả năng quan sát. Người có trí tuệ thì chắc chắn khả năng quan sát - phân tích - đúc kết không thể nào nông cạn hay hời hợt được. Thế nên ánh mắt của người trí tuệ thường trong trẻo, sáng tinh anh, đen trắng phân minh, nhìn tĩnh lặng, không dao động khi gặp những chuyện bất như ý hay những tình huống kích cầu tâm tham.
3. TAI
Theo những nghiên cứu được thống kê dựa trên hình tướng, những người có tai sát đầu, to và dày thường có khả năng lắng nghe rất tốt, lắng nghe được đa chiều, nhờ thế nên họ mới có thể tư duy sâu sắc, biết đưa suy nghĩ vào chiều sâu. Ngược lại người tai vểnh và mỏng thường chỉ lắng nghe được đơn chiều, dễ sinh ra góc nhìn hạn hẹp và có tính bảo thủ.
Cũng vì lẽ đó, người trí tuệ luôn là người biết lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, sau đó sàng lọc để tiếp thu những thông tin đúng đắn và hướng thiện, từ đó mới đưa ra quyết định phù hợp với lợi ích chung, giúp ích cho mình và cho người khác.
4. MŨI
Mũi là năng lực thực thi những gì mình nghĩ. Người mũi cao là người suy nghĩ sát với thực tế, tức là có giải pháp và đưa được suy nghĩ thành hành động. Cho nên người mũi cao cũng thể hiện là một người có trí thông minh và nghị lực. Ngược lại, theo lý thuyết tướng số, đa phần những ai có sóng mũi tẹt và thấp là những người suy nghĩ nhiều nhưng không hành động được bao nhiêu, tức thiếu đi tính thực tế, thiếu đi tính thực thi.
5. MIỆNG (Bao gồm cả Khẩu khí - Giọng nói)
Miệng của người thông minh có góc cạnh rõ ràng, mở to, khép nhỏ, môi trên có vân, hai môi cân xứng, sắc môi hồng nhuận. Nhân trung (khoảng cách từ môi trên đến chóp mũi) có hình tam giác là tướng miệng tốt nhất. Tuy nhiên, hình dáng khuôn miệng chỉ là bề nổi, nó mang tính đơn chiều và không hoàn toàn chính xác.
Muốn biết một người có năng lực tư duy tốt hay không, phải xét đến khả năng trình bày của người đó như nào: trình bày mạch lạc hay lan man? Người thông minh năng lực trình bày luôn mạch lạc và dễ hiểu. Người thiếu trí tuệ luôn trình bày lòng vòng, lan man, thiếu đúc kết. Vì vậy, Hình Tướng của miệng ra sao không quan trọng, miễn trình bày rõ ràng và dễ hiểu thì chắc chắn cuộc đời sẽ hanh thông và có nhiều cơ hội phát triển.
6. DÁNG ĐI, ĐỨNG, NẰM, NGỒI
Dáng đi, đứng, nằm, ngồi của một người thường phụ thuộc vào yếu tố sức khỏe và tính cách của họ. Tuy nhiên nếu chỉ xét về tâm tính, người có trí tuệ uyên bác là những người có nội tâm vô cùng ổn định, không dễ bị ảnh hưởng bởi những việc bất như ý đến từ ngoại cảnh. Cũng bởi lẽ đó họ thường có dáng đi nhẹ nhàng, khoan thai; có thể giữ tốc độ ổn định và nhịp bước cũng rất đều, rất vững. Kể cả cách nằm và cách ngồi cũng thế, mọi động tác họ làm đều đem đến cảm giác tĩnh lặng, kiên định và bình ổn.
Tâm Tướng Của Người Trí Tuệ
6 đặc điểm trên chỉ dừng lại ở Bộ Vị (các bộ phận trên gương mặt), gân xương cốt cách và một phần nhỏ của Bộ Rễ (Thần Khí & Khẩu Khí). Các bạn không nên lạm dụng và phán xét người khác một cách phiến diện.
Nếu chỉ quan sát đơn chiều, chỉ nhìn vào bề ngoài mà đã vội đánh giá thì thành ra mình đang có suy nghĩ xấu về người khác, dễ nói ra những điều không hay về người đó. Như vậy thì thành ra mình mang tội “khẩu nghiệp”; và việc này vừa làm tổn thương người khác, vừa gây hao tổn phước báu của chính bản thân, hay thậm chí cũng khiến cho bản thân trở thành một người có tư duy cạn cợt, hời hợt, chỉ nhìn vào bề nổi để phán đoán!
Vì vậy, thay vì chỉ nhìn vào vẻ ngoài của người xung quanh, hãy tiếp tục quan sát vào Tâm Tướng (hành vi, thái độ sống) của một người ra sao trước khi đi đến kết luận cuối cùng.
Trong nhân tướng học, vận mệnh của một người không chỉ được quyết định bằng Hình Tướng bên ngoài mà còn cần hội tụ đủ các yếu tố như thần khí, nhân cách và hành vi, thái độ sống của người đó. Vậy nên khi xét đến hành vi và thái độ sống, người có trí tuệ luôn luôn tìm đến môi trường sống đúng đắn, môi trường có Ba Báu Vật Cuộc Đời (thầy hiền trí - tủ sách hay - nhóm bạn tốt) để liên tục học hỏi và phát triển.
Họ thường đọc sách tinh hoa và có đúc kết bài học sau đó. Những cuốn sách chứa nội dung vô bổ (không thể vận dụng gì cho đời), thì người có trí tuệ hầu như không ngó ngàng đến. Họ có những nhóm bạn tốt - những người bạn luôn biết cách nâng đỡ và giúp bạn mình phát triển theo hướng tích cực.
Ngoài ra, người có trí tuệ luôn biết cách giữ kết nối với các bậc thầy hiền trí. Họ biết rằng thầy hiền trí rất khó tìm, nên họ luôn cố gắng kết nối và liên tục học hỏi để vốn sống bản thân ngày thêm đa chiều và sâu sắc.
Hình Tướng Rồi Sẽ Biến Đổi Theo Tâm Tướng
Như câu nói: “Tướng tự tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”. Vẻ ngoài của một người vốn dù có ra sao, chắc chắn rồi cũng sẽ theo tâm tính mà biến đổi. Chúng ta có thể thấy một ví dụ tiêu biểu cho câu nói này là tỷ phú Jack Ma - Chủ tịch tập đoàn Alibaba nổi tiếng thế giới. Tỷ phú Jack Ma thời còn nhỏ là một cậu bé thấp bé khó coi, tướng mạo xấu xí. Ông từng được mô tả là: “một đứa trẻ bướng bỉnh, má hóp, trán ngắn, cười hở lợi, lùn tịt, nặng khoảng 50 cân.”
Tuy nhiên, Jack Ma không hề quan tâm về ngoại hình xấu đẹp mà không ngừng nâng cao tư tưởng, trau dồi kiến thức để từng bước lập nên sự nghiệp của chính mình. Sau vài năm nỗ lực phấn đấu, từ một cậu bé còi cọc bị người đời gièm pha, Jack Ma đã trở thành doanh nhân Trung Quốc đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Forbes
Và đến lúc này đây, khi xét đến thần thái, khẩu khí lẫn thần tướng của Jack Ma, ta thể thấy ở ông toát ra một khí chất rất kiên định, uy nghiêm và thông tuệ hơn người. Tuy sở hữu bộ vị không cân xứng, song tổng thể hình tướng của ông lại đem cho người khác cảm giác đáng tin cậy và đáng nể trọng.
Lời Kết:
Tôi sẽ nhắc lại một lần nữa, rằng việc quan sát Hình Tướng bên ngoài chỉ là góc nhìn đơn chiều và có xu hướng phiến diện. Tâm Tướng mới chính là trục số chính - là yếu tố quyết định vận mệnh cuộc đời của chính chúng ta.
Con người chúng ta nên chú trọng vào việc tu sửa Tâm Tướng thay vì chạy đua theo xu hướng vẻ đẹp của xã hội, đừng tìm cách để thay đổi Hình Tướng rồi nghĩ rằng có thể thay đổi được vận mệnh. Để hiểu vì sao việc tu sửa Tâm Tướng cực kỳ quan trọng trong đến thế, các bạn có thể xem video mà tôi từng chia sẻ.
Và còn một quy tắc cực kỳ quan trọng trong việc xem nhân tướng, đó chính là các bạn phải hạn chế cực kỳ việc soi xét người khác, chỉ nên dùng bộ môn này để soi mình và hiểu mình. Soi mình ra sao, hiểu rõ bản thân như thế nào, để rồi từ đó điều chỉnh hành vi và thái độ sống của bản thân cho tốt, cho hòa hợp với xã hội và thiên nhiên. Chính những điều này mới là yếu tố quan trọng nhất để giúp cho cuộc đời các bạn thêm hanh thông và có nhiều cơ hội phát triển.
Sau 20 năm nghiên cứu về Nhân Tướng Học, tôi đã đúc kết giáo trình giảng dạy về bộ môn này trong lớp Nhân Tướng Học Ứng Dụng (giúp các bạn tiết kiệm 5-10 năm đọc sách rối rắm).
Bạn nào muốn có phương pháp cụ thể - học xong thực hành để Sửa Tướng được ngày (chú trọng sửa Gân xương - Cốt cách, Thần khí & Khẩu khí, sửa luôn Hành vi & Thái độ sống cho đúng cách), từ đó có thể thay đổi tương lai vận mệnh thì có thể tìm hiểu qua đường link: bke.edu.vn/nhantuong