Trong đời sống hôn nhân, không có cặp vợ chồng nào không có xung đột, cãi vã. Ngay cả những cặp đôi hạnh phúc nhất cũng không tránh khỏi các cuộc tranh cãi trong cuộc sống hàng ngày. Không ít cặp đôi dù trong lòng rất yêu nhau nhưng mở miệng ra là cãi nhau mà người ta thường hay gọi là “khắc khẩu”.
Vậy phải giải quyết những xung đột này bằng cách nào? Giải pháp là gì?
Cùng đọc kỹ bài viết này các bạn nhé!
I. Nguyên nhân vợ chồng cãi nhau
“Chị Mai là một người thẳng tính và nóng nảy, nhiều lần nói chuyện với chồng chị không được khéo léo dẫn đến chồng bị tổn thương. Chồng chị tuy không nhiều lời đôi co nhưng khi cãi vã cũng nói nhiều lời khiến chị không kiềm chế được tức giận.
Họ thường xuyên mâu thuẫn vì những điều bất như ý nhỏ nhỏ trong cuộc sống. Mâu thuẫn tích luỹ ngày càng lớn hơn khiến cuộc sống vợ chồng như rơi vào địa ngục. Cả hai đã sống chung như vầy hơn 5 năm, bầu không khí gia đình căng thẳng và mệt mỏi vô cùng nhưng chưa tìm được giải pháp.”
Những cuộc cãi vã luôn khiến các cặp đôi “hao tổn tâm khí” nhưng do đâu nó vẫn tồn tại, cho dù đó là các cặp vợ chồng trẻ hay đầu đã bạc muối tiêu?
Vợ chồng thường tranh cãi với nhau bắt đầu bằng những chuyện rất nhỏ nhặt: như chuyện cơm nước, nhà cửa, đón con, hay một lời nói không vừa lòng nào đó… Những vấn đề cỏn con đó trở thành “to tát” khi hai bên bỏ thêm thái độ của mình vào, cằn nhằn, chì chiết, chỉ trích.
Thay vì trao đổi một cách nhẹ nhàng, từ tốn cả hai bị cuốn vào dòng cảm xúc và đẩy sự bực tức, khó chịu của người kia lên cao.
Chuyện vợ chồng cãi nhau luôn gây ra sự mệt mỏi cho cả hai
1. Cái Tôi cao, luôn cho mình đúng
Dấu hiệu cái Tôi rõ nhất trong các cuộc tranh cãi là “ai cũng cho mình là đúng” và nhất định không chịu “xuống nước” trước.
Cũng có khi cả hai đã nhận ra lỗi của mình nhưng vì sợ bị “muối mặt”, tự ái mà không dám nhận.
Cái Tôi bước ra chiếm lấy toàn bộ tâm trí và điều khiển hành động bằng những lời biện minh, giải thích cho mình.
Bản chất của cái Tôi là muốn thắng, muốn hơn thua nên nó sẽ ra sức hạ thấp và hạ bệ đối phương. Cả hai chính thức bước vào một cuộc chiến mà không ai nhường nhịn ai.
Cái Tôi chính là ông trùm để tạo nên những cuộc cãi vã căng thẳng, đẩy nó nó leo thang và đi đến một kết thúc không có hậu.
2. Có tổn thương trong quá khứ, lặp lại “mô thức ứng xử” cũ
Mỗi người lớn lên dù ít hay nhiều cũng mang những tổn thương hay những điều nhạy cảm nhất định về tâm lý.
Một bé gái nọ lớn lên chứng kiến cảnh bố mẹ chia tay, nhanh chóng sau đó bố cô có người mới. Cô con gái cảm thấy bị tổn thương sâu sắc vì cảm thấy “bố đã bội bạc mẹ, không còn yêu cô và mẹ cô như lúc trước nữa”. Sự sụp đổ niềm tin vào người bố khiến sau này cô luôn có cảm giác cảm nghi ngờ, không chắc chắn về những mối quan hệ của mình.
Lớn lên lập gia đình, cô cũng mang luôn tổn thương này vào cuộc hôn nhân của mình. Cô trở nên nhạy cảm với mọi hành vi của chồng. Chỉ cần chồng nhắn tin với ai đó, khen ngợi cô gái nào đó xinh đẹp hoặc nghe được thông tin chồng thân thiết với đồng nghiệp nữ … cô sẽ rất dễ tức giận và cảm xúc bấn loạn.
Môi trường được nuôi dạy lúc nhỏ ảnh hưởng rất nhiều đến “mô thức ứng xử và hành vi” của ta.
Nếu bố mẹ biết cách yêu thương nhau, chúng ta cũng sẽ bắt chước cách hành xử của bố mẹ. Tương tự, nếu bố mẹ hay đánh nhau, cãi vã trước mặt con cái thì những hình ảnh đó sẽ in sâu vào tiềm thức con cái.
Sau này, khi bước vào hôn nhân, mặc dù không hề muốn chúng sẽ lặp lại y nguyên cách hành xử của bố mẹ, như những vở kịch cùng một kịch bản.
Do đó, những “tổn thương tâm lý” ở tầng sâu là một trong những nguyên nhân rất lớn chi phối mọi hành vi, cảm xúc, thói quen phản ứng của ta.
Nếu không được Nhận Biết chúng sẽ âm thầm kiểm soát toàn bộ cách hành xử của mình mà không cách nào chống cự lại.
3. Sự đòi hỏi và kỳ vọng
Chúng ta thường nghĩ rằng vợ hoặc chồng là sở hữu riêng của mình và luôn ra sức đòi hỏi.
Nhiều người phụ nữ được chồng săn sóc, quan tâm, chiều chuộng hết mực nhưng cũng muốn chồng cũng phải có sự nghiệp tốt, kiếm được nhiều tiền và thành công.
Có những người chồng rất thành đạt, thành công ở bên ngoài nhưng cũng muốn chồng phải làm việc nhà giỏi, biết rửa chén, nấu cơm, ủi đồ cho vợ…
Hay cũng có rất nhiều người chồng thường đem vợ mình ra để so sánh với người này, người kia.
Chúng ta thường mong muốn quá nhiều thứ!
Sự thực là, mỗi người đều có những áp lực và stress riêng với rất nhiều công việc và trách nhiệm.
Do đó, nếu phải gánh chịu thêm những đòi hỏi “rất vô lý”, “vô đáy” của vợ hoặc chồng thì người đó sẽ dần vị vắt kiệt sức lực, trở nên cực kì mệt mỏi và nặng nề.
Sự đòi hỏi, kỳ vọng lẫn nhau quá mức khiến cả hai áp lực và căng thẳng
4. “Vỡ mộng” sau khi kết hôn
Hiện tượng “vỡ mộng” là hiện tượng rất nhiều cặp đôi gặp phải.
Khi bước vào hôn nhân họ vẫn mong chồng, vợ sẽ đối xử với mình như lúc mới yêu. Tuy nhiên, bước vào hôn nhân đã là một “chiến hào” khác. Cả hai sẽ phải đối diện với rất nhiều vấn đề thực tế, và vị trí “trung tâm của vũ trụ, ngôi sao số 1″ sẽ không còn nữa.
Đây là giai đoạn cả hai bắt buộc phải biến từ giai đoạn “tình cảm thuần tuý”, chinh phục sang “đồng tâm hiệp lực”, san sẻ, yêu thương và gánh vác| cùng nhau.
Do đó, nếu một trong hai quá yêu thương, dính mắc vào người kia thì họ sẽ dần đánh mất quyền làm chủ của bản thân.
“Tình yêu thực sự là vốn chỉ có một mình, rồi mới lan toả hạnh phúc và yêu thương ấy sang người khác” – Osho
Do đó việc chúng ta trông chờ, hay dồn quá nhiều suy nghĩ, cảm xúc vào một đối tượng sẽ khiến chúng ta mất cân bằng.
Thực tế là chúng ta có rất nhiều nguồn để sống và tìm kiếm niềm vui. Những hoạt động cá nhân độc lập là cách để chúng ta nạp năng lượng, làm mới chính mình và trở lại chăm sóc mối quan hệ đủ đầy, và dồi dào hơn.
Dù rất yêu, nhưng không phải lúc nào người bạn đời cũng đầy đủ năng lượng để đáp ứng kỳ vọng của ta.
Do đó, xây dựng hạnh phúc tự thân là một điều thiết yếu và cốt lõi để gìn giữ tình yêu và không khí gia đình ấm áp, thuận hoà.
5. Không có “không gian truyền thông“
“Sao em phải nói với anh những điều này. Sao anh không tự hiểu?”
“Em có điều gì thì phải chia sẻ thì anh mới biết chứ”
Dù người bạn đời sẽ hiểu chúng ta nhiều hơn người khác, nhưng họ không phải là ta. Do đó hãy nhớ, vợ/chồng không thể đọc tâm trí và biết chính xác chúng ta cần gì!
Có một văn hoá “Hiểu và Thương” trong gia đình sẽ là bầu không gian để cả hai có cơ hội được chia sẻ về nhu cầu, mong muốn của bản thân và đối phương. Đó có thể là chia sẻ những ước mơ, mong muốn, dự định. Hoặc nói về một số điều không vui vẻ nhưng là cần thiết.
Đặc biệt, sau những lần cãi nhau, giữ bầu không khí “chiến tranh lạnh” là một điều không khôn ngoan. Khi mọi cảm xúc đã lắng xuống và những cơn “cuồng nộ” đã qua đi, hãy nhẹ nhàng đề nghị đối phương ngồi xuống để truyền thông trong sự thấu hiểu, lắng nghe và tìm ra giải pháp.
Im lặng là liều thuốc giết chết con tim.
Rất nhiều vợ, chồng trở nên câm nín sau nhiều năm vì quá bất mãn, chán nản, mệt mỏi và không còn muốn truyền thông với người kia dù là bất cứ chuyện lớn hay nhỏ gì.
Không có những cuộc nói chuyện cởi mở, trong không khí ấm cúng sẽ rất khó để lắng nghe nhau
II. Khi nào cuộc tranh cãi trở nên độc hại?
Những cuộc tranh cãi cũng có tác dụng là chất xúc tác để cả hai thấu hiểu nhiều hơn về đối phương, và từ đó có thể chia sẻ, cảm thông và biết cách yêu thương đối phương đúng đắn hơn. Nhưng nó sẽ trở nên tệ hại nếu như làm cho cả hai, hoặc một trong hai tổn thất về cả vật chất lẫn tinh thần.
Dấu hiệu nhận biết một cuộc tranh cãi độc hại là xu hướng lấn át, thao túng tâm lý, xúc phạm, coi thường, lừa dối đối phương… hay “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Đó là kết quả của sự thiếu kiểm soát và quản chế cảm xúc. Khi đã bị rơi vào cuộc chiến ắt hẳn sẽ có tổn hại.
Do đó, điều quan trọng là hãy nhớ mục đích của việc tranh cãi là để đối chất, chia sẻ, bày tỏ quan điểm để thấu hiểu nhau chứ không phải là công kích, tấn công nhau.
Rất nhiều cặp vợ chồng đã biết khéo léo tận dụng những sự khác biệt, mâu thuẫn về quan điểm tính cách để khám phá sâu hơn của tâm hồn đối phương, thấy ra những “nỗi khổ niềm đau” của họ, trở nên thông cảm, sâu sắc và bao dung hơn.
Hãy nhớ tranh cãi là một cơ hội để chúng ta nhìn lại thái độ Tâm, dung lượng trái tim của mình và cơ hội để thấu hiểu, yêu thương người khác một cách trọn vẹn hơn.
III. 4 điều ‘tối kị’ khi vợ chồng cãi nhau
1. Xúc phạm đối phương
“Trước đây tôi bị mù mới lấy anh”
“Lấy anh mà tôi ra nông nỗi này”
“Thằng này chỉ được vậy thôi, cô muốn thì đi mà lấy người khác”…
Những câu nói này khiến đối phương cảm thấy cực kì bị coi thường và “tức tận óc”. Nói ra những câu nặng nề, xúc phạm như là một công cụ trút bỏ sự bất mãn để dành lấy ưu thế. Tuy nhiên, những câu nói này khi nói ra sẽ rất “sướng miệng” lúc đó nhưng hậu quả là rất nặng nề!
Một lời phán xét, chỉ trích hôm nay của người bạn đời tạo thành vết thương trong não bộ. Nó cứ âm ỉ ở đó, dù sau này hai vợ chồng có làm lành thì vết thương đó lâu lâu vẫn trồi lên nhức nhối. Đó là cách để làm suy giảm sợi dây gắn bó và liên kết giữa vợ và chồng.
Khi cả hai đang nóng giận tốt nhất là nên biết dừng lại đúng lúc, đừng để những lời mạt sát xúc phạm đẩy cuộc chiến lên cao trào và đưa sự việc đi quá xa.
2. Châm chọc vào nỗi đau trong quá khứ
Những người thân cận thường là người hiểu rõ về quá khứ và điểm yếu của ta nhất. Thật không may, trong lúc nóng giận, chính người ta yêu thương lại dùng chính điểm yếu đó như một công cụ để tấn công ta. Nỗi đau sâu kín một khi bị đụng vào sẽ như vết thương lâu ngày được đâm thọc vào, vô cùng đau đớn.
“Em xem lại mình đi, em đã từng bất mãn, cố chấp với bố mẹ đẻ của mình. Giờ em ép con để nó lại bất mãn với cuộc sống. Nếu muốn thì một mình em chịu đựng đi” – Một người chồng khơi lại “nỗi đau muốn quên” giữa người vợ và bố mẹ đẻ.
Đây là cách cư xử vô cùng tệ và gần như làm mất đi sự tin tưởng vào người bạn đời vì không cảm thấy được bao dung. Chất lượng mối quan hệ giảm 50%
“Giận quá mất khôn – Vợ chồng khi cãi nhau, tuyệt đối không được buông ra lời xúc phạm, làm tổn thương nhau. Nó gây nên hậu quả khôn lường”
3. Nhắc lại sai lầm cũ
Rất nhiều vợ chồng thích nhắc lại “nợ cũ” khi cãi nhau. Chẳng hạn như, “hôm kia anh nốc rượu say nôn đầy nhà, tôi phải hầu anh cả đêm”; “tối kia anh đi với cô kia, tôi gọi không bốc máy” hay lôi chuyện người yêu cũ của vợ/chồng ra…
Những lỗi lầm đã qua hãy cho qua. Cuộc sống này luôn vận động và biến đổi không ngừng, do đó mỗi giây phút là một khoảnh khắc mới mẻ của hiện tại. Do đó, đừng sống trong những dằn vặt của quá khứ và học cách vun đắp, xây dựng cho hiện tại.
Những sai lầm như những chiếc đinh, mỗi lần nhắc lại là ta khoét sâu thêm chiếc đinh vào vết thương khiến nó mãi chẳng lành. Có những người từng có ý định sửa chữa lỗi lầm nhưng vì bị nhắc lại nhiều quá, tự ái nên không muốn sửa nữa. Do đó, sự bất hòa và mâu thuẫn cũng ngày càng tăng lên.
4. Nói lời ly hôn mỗi khi cãi nhau
Trong mọi cuộc cãi vã, nhiều người thường lấy việc ly hôn ra vì cho rằng đối phương sẽ lo sợ, vì thế mà chịu nhường nhịn. Thế nhưng, việc không những không được giải quyết mà tình trạng càng tồi tệ thêm.
Có câu chuyện chị vợ chị quá giận chồng đe doạ sẽ ly hôn. Khi hết giận cô mới cảm thấy hối hận và hành động sai lầm. Nhưng vì điều đó mà người chồng cảm thấy bị tổn thương lòng tự trọng nặng nề. Sau đó, chính anh là người nhất quyết đòi ly hôn mặc dù trước đó chưa bao giờ có ý định này.
Dọa dẫm ly hôn chỉ cho thấy rằng, bạn không hề coi trọng “cuộc hôn nhân”. Nó là một từ rất nhạy cảm nhất và nguy hiểm, đừng bao giờ tùy tiện ra lời này, nếu không tình cảm vợ chồng sẽ bị tổn hại nghiêm trọng hoặc dẫn đến những kết quả xa hơn.
Ly hôn là từ rất nhạy cảm và nguy hiểm. “Mở cửa hướng nào gió vào hướng đó.” Tuyệt đối không được tuỳ tiện nói ra
IV. Giải pháp khi vợ chồng cãi nhau
1. Xác định điều quan trọng đối với đời sống hôn nhân
Khi xảy ra quá nhiều tranh cãi, nhiều người cho rằng họ đã sai lầm khi kết hôn với người không phù hợp. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, trên đời này không có ai là thực sự hoàn hảo cả! Ai cũng sẽ có những mặt ưu, mặt nhược và sự khác biệt về tính cách riêng, thói quen, sở thích, quan điểm sống.
Nếu ta lựa chọn được một người cùng quan điểm, nhiều điểm chung và tôn trọng nhau để xây dựng cuộc sống thì rất tốt. Tuy nhiên, những mâu thuẫn, nghịch duyên, trái ý là cơ hội để chúng ta hiểu chính mình, hiểu người khác và cuộc đời nhiều hơn!
Bước vào hôn nhân không phải để hưởng thụ mà là để trưởng thành!
Chúng ta cần xác định rằng, đến với một người không phải để khỏa lấp những mong muốn, thiếu thốn mà là để cùng học hỏi, xây dựng hạnh phúc. Để sau này, khi nhìn lại hôn nhân trải qua rất nhiều sóng gió. Mỗi người thấy mình kiên cường, vững vàng và bao dung hơn thì đó chính là thành quả hai cái Tôi va đập và gọt giũa cho nhau.
Những trái nghịch, bất đồng chính là chất xúc tác để ta tìm thấy phiên bản hoàn thiện hơn của chính mình.
2. Nhẫn nhịn là chìa khóa để hóa giải
Nhiều người cho rằng nhẫn nhịn là hèn nhát, là cam chịu, chịu đựng. Nhưng ý nghĩa cao đẹp nhất của từ “nhẫn” là biết được lợi ích của nó mà dùng “nhẫn để chế cương”, dùng “khiêm nhường, bao dung để dung nhiếp hận thù”. Người biết dùng chữ Nhẫn là người rất hiểu biết, bình tĩnh và sáng suốt.
Nhẫn là chấp nhận thiệt thòi nhưng không ôm thù hận, oán trách trong lòng, là biết gạt bỏ cái Tôi để nhường chỗ cho sự quan sát đa chiều và thấu hiểu:
Trở thành người biết lắng nghe trước khi mong cầu ai đó lắng nghe.
Trở thành người biết quan tâm trước khi mong cầu ai đó quan tâm.
Và trở thành một người thấu hiểu trước khi ai đó thấu hiểu mình
Đó chính là cốt tuỷ của tình yêu vô điều kiện! “Nhẫn” chính là hiện thân của lòng trắc ẩn. Đức Phật cũng đã có nói: “Trong sáu phép độ người và hàng vạn phương pháp tu hành, “Nhẫn” là đệ nhất”.
“Nhịn được cái tức một lúc
Tránh được mối lo trăm ngày
Muốn hòa thuận trên dưới
Nhẫn nhịn đứng hàng đầu”
Nhẫn nhịn nhau để có cơ hội quan sát đa chiều, hiểu và thương là bí quyết của một tình yêu vượt lên cảm xúc thông thường
3. Vun bồi Hạnh phúc tự thân
Chỉ khi biết yêu thương chính mình, ta mới có thể yêu thương người khác. Một người khi có sự đủ đầy từ bên trong thì họ mới giữ được sự cân bằng bên trong và toả ta yêu thương dành cho người khác.
Người có hạnh phúc tự thân là người biết làm chủ cảm xúc, biết chăm sóc, nuôi dưỡng cho thể chất và tinh thần của mình. Người đó cũng hiểu bản thân có những mặt ưu, nhược nào, từ đó biết chấp nhận bản thân và chấp nhận người khác.
Đối với người bạn đời, họ cũng sẽ biết cách đồng hành, chia sẻ và vun bồi yêu thương cho nhau. Người có hạnh phúc tự thân cũng sẽ không dễ bị tổn thương, họ không bị những lời nói thị phi, dèm pha bên ngoài làm ảnh hưởng. Họ có những giá trị của bản thân và biết mình cần, muốn gì và cần làm gì để có hạnh phúc.
Hạnh phúc tự thân chính là nền tảng để hạnh phúc với những người xung quanh!
Một trong những cách tốt nhất để hiểu bản thân đó là dành thời gian quay vào bên trong (có thể thực hành thiền Vipassana, đọc sách, suy niệm hoặc đối thoại với chính mình). Khi kết nối với chính mình đủ sâu, bạn sẽ thấy rằng mọi nguồn lực đã có sẵn và bạn sẽ không cần tìm kiếm đâu xa!
4. Văn hoá Hiểu & Thương gia đình
Sự truyền thông trong gia đình là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Gia đình là nơi nghỉ ngơi và nuôi dưỡng mỗi người. Nếu chúng ta không cảm thấy thật thoải mái hay được chào đón trong gia đình thì ngôi nhà không còn là “tổ ấm” nữa!
Có phải rất lâu rồi, vì chung sống và làm việc với nhau nhiều ngày, tháng, năm chúng ta dần quên đi giá trị của người thân bên cạnh? Chúng ta ít có sự chú trọng, chăm lo cho người bạn đời của mình. Ít dành thời gian để sẻ chia, khen ngợi, đề cao, quan tâm tới người thương của mình?!
Việc thiết lập truyền thông trong gia đình là một điều cực kỳ cần thiết, bởi: Thứ nhất, nó giúp chúng ta giãi bày những tâm tư, tình cảm mà cuộc sống thường ngày vì bận rộn nên ít có cơ hội sẻ chia. Thứ hai đó là khoảng thời gian để chúng ta cùng lên kế hoạch cho cả gia đình: phát triển bản thân, cùng nhau đi làm làm thiện nguyện hay dự định về những đứa con?
Khi có một văn hoá trò chuyện và truyền thông lành mạnh, dù cãi vã vẫn xảy ra nhưng ngay sau đó vợ chồng đều tìm được cách để hoá giải và khắc phục. Để thực hiện điều này bạn có thể tham khảo cuốn sách Làm mới tình thương hoặc Nghệ thuật thiết lập truyền thông để biết được phương pháp cụ thể.
“Tình yêu đích thực cần phải thấu hiểu sâu sắc, cần phải nhìn sâu vào những chỗ khuất, những nỗi khổ niềm đau của người ấy. Nếu như không thấu hiểu, ta sẽ không thể yêu thương người ấy cho đúng cách, và tình yêu của ta sẽ chỉ đem lại khổ đau cho người ấy mà thôi” – thầy Thích Nhất Hạnh
“Nghệ thuật truyền thông – Bí quyết để các cặp vợ chồng hạnh phúc bên nhau trọn đời”